Bí quyết tăng lượng đơn cho Quán thông qua thực đơn

Khi đặt món trực tuyến, thực đơn của Quán là thông tin đầu tiên mà Khách hàng đặc biệt lưu tâm và ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của Khách hàng. Vì vậy, học viện ShopeeFood mong muốn mang đến bí quyết tăng lượng đơn cho Quán thông qua 3 nhân tố chính trong thực đơn, bao gồm: tên gọi món, ảnh mónmiêu tả món.

Nội dung bài viết bên dưới sẽ cung cấp những kiến thức quan trọng nhằm giúp Quán:
- Hiểu được các nhân tố thiết yếu đối với việc tăng trưởng kinh doanh thông qua một thực đơn hoàn thiện và hấp dẫn.
- Nắm bắt những thủ thuật tinh vi trong thiết kế thực đơn để thu hút Khách hàng từ cái nhìn đầu tiên.
- Sở hữu bộ ảnh món chuyên nghiệp và ấn tượng, kích thích Khách hàng đưa ra quyết định đặt món.
- Xây dựng thực đơn cùng mô tả món rõ ràng, giúp Khách hàng hình dung đặc điểm của món ăn và dễ dàng quản lý kỳ vọng của Khách hàng.
Tăng lượng đơn cho quán thông qua thực đơn

1. Tối ưu hóa tên gọi món

Cách đặt tên món sẽ quyết định trực tiếp đến mức độ ưu tiên hiển thị trên Ứng dụng ShopeeFood khi Khách hàng tìm kiếm. Tên gọi chính xác theo từ khóa sẽ giúp món ăn của Quán được hiển thị nổi bật trong danh sách tìm kiếm, đồng thời, tên món độc đáo sẽ thu hút và gợi sự tò mò để Khách hàng tìm hiểu - tạo tiền đề quan trọng để Khách hàng lựa chọn đặt món. Vậy làm thế nào để tối ưu cách đặt tên món theo cách hiệu quả nhất?
 
Học viện ShopeeFood đã tổng hợp ba điểm chính mà Quán cần lưu ý:
- Ngắn gọn và chính xác: Khách hàng có thể nắm thông tin cơ bản nhất về món ăn bao gồm thành phần, phương pháp chế biến, hương vị,... thông qua tên gọi. Hãy chọn từ khóa liên quan mật thiết đến món ăn, tránh đặt tên quá dài để đảm bảo nội dung dễ hiểu.
- Làm nổi bật nét đặc sắc của món ăn: Cố gắng truyền đạt điểm đặc biệt của món thông qua tên gọi, sử dụng từ ngữ làm nổi bật cốt lõi độc đáo món ăn như tên đặc sản, tên địa danh gắn liền với món ăn, mùi vị đặc trưng, phương pháp chế biến,...
- Chọn lọc từ khoá phù hợp: Quán nên chắt lọc các từ khóa tập trung nhất vào món ăn và tránh tạo quá nhiều từ khóa trong cùng một tên gọi. Hãy đặt bản thân vào vị trí của Khách hàng khi tìm kiếm sản phẩm để hiểu được thói quen, hành vi người tiêu dùng, từ đó giúp lựa chọn từ khóa phù hợp nhất cho từng món ăn. 
Thông thường, cấu trúc đặt tên món được ShopeeFood khuyên dùng bao gồm 01 từ khóa chính thể hiện loại món ăn và 02 từ khóa phụ miêu tả các điểm đặc sắc riêng của mỗi món. 
Ví dụ: Cháo ếch Singapore vị truyền thống - trong đó “cháo ếch” là từ khóa chính chứa loại món ăn mà Khách hàng thường tìm kiếm, “Singapore” là tên đất nước nổi tiếng với món ăn phổ biến này, cuối cùng là “vị truyền thống” thể hiện phong vị chế biến đặc trưng của món.
Minh họa về tên gọi món
Ví dụ so sánh đã cho thấy tên gọi món “Bún chả Hà Nội đặc biệt - nhiều thịt” mang lại hiệu quả giới thiệu món cao hơn nhờ vào: thể hiện được tính chất, thành phần cơ bản của món ăn; nổi bật được lợi ích đặc biệt mà món ăn mang lại (nhiều thịt hơn phần ăn thông thường) để thu hút Khách hàng; giúp Khách hàng hình dung được hương vị đặc trưng, phong cách chế biến theo nét riêng của đặc sản vùng miền.

2. Tối ưu hóa ảnh món

Trong một bài phỏng vấn của báo ABC News (1), Gregg Rapp (người đã có cống hiến hơn 30 năm trong ngành thiết kế thực đơn) đã khẳng định doanh thu sẽ tăng lên 30% khi thể hiện tốt về mặt hình ảnh cho thực đơn. Vì vậy, Quán cần đầu tư vào việc xây dựng bộ ảnh món thu hút và gây ấn tượng đối với Khách hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
 
Thông qua nghiên cứu hành vi người dùng trên ShopeeFood, học viện ShopeeFood đã tổng hợp và đúc kết các công thức tối ưu cho bộ ảnh món bao gồm: 
- Sử dụng ảnh món chân thực thay vì dùng nguồn ảnh có sẵn tràn lan trên mạng nhằm giúp Khách hàng hiểu đúng về món ăn, tránh việc phần ăn thực tế quá khác biệt so với mong đợi.
- Lựa chọn góc chụp, ánh sáng, phông nền, dụng cụ đi kèm phù hợp để món ăn trông đẹp mắt, rõ ràng và hạn chế tương phản màu sắc.
- Chỉnh sửa hậu kỳ cho ảnh món thêm phần bắt mắt giúp nổi bật món ăn, kích thích vị giác của Khách hàng.
- Căn chỉnh kích cỡ ảnh phù hợp với yêu cầu của Ứng dụng Shopee Partner giúp món ăn được hiển thị rõ ràng, thu hút.
Minh họa ảnh món
Cùng với tên gọi “Cơm tấm sườn”, hình ảnh món bên phải tạo cảm giác ngon mắt hơn nhờ hình ảnh chất lượng cao, rõ nét, thể hiện chi tiết các thành phần có trong món ăn. Bên cạnh đó, hình ảnh có đính kèm logo của Quán cho thấy sự chân thực, tạo cảm giác tin cậy về hình ảnh thực tế của Quán. Đồng thời, món được bày trí đơn giản, rõ ràng với bố cục hợp lý giúp Khách hàng dễ dàng hình dung về món ăn một cách tổng thể và rõ nét.

Ngoài ra, Quán có thể xem thêm chi tiết bộ ba bài viết về ảnh món cùng các kĩ thuật giúp ảnh món trở nên bắt mắt, thu hút Khách hàng:
1. Bí quyết để có ảnh món hấp dẫn
2. Nên dùng nguồn ảnh mạng có sẵn hay dùng ảnh món ăn chân thực?
3. Vì sao đầu tư vào ảnh món là cách thúc đẩy doanh thu bán hàng?

3. Tối ưu hóa miêu tả món

Cung cấp mô tả món đầy đủ và chi tiết có thể giúp Khách hàng hiểu rõ hơn về món ăn, tạo dựng được sự thiện cảm, tin cậy, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định đặt món. Đồng thời, mô tả món ăn cụ thể là yếu tố then chốt để Khách hàng hình dung được món ăn liên quan đến: tính chất, thành phần, định lượng, giá trị dinh dưỡng,... giúp Quán tránh phải các đánh giá xấu với lý do món ăn khác biệt với kỳ vọng của Khách hàng.

Hãy cùng tham khảo hai miêu tả món bên dưới, Quán nhận định nội dung nào sẽ thúc đẩy Khách hàng đặt món tốt hơn?
Minh họa về miêu tả mónVí dụ cho thấy, món ăn bên phải thể hiện được chi tiết thành phần, giá trị dinh dưỡng một cách đầy đủ và ảnh hưởng tích cực đến lựa chọn của Khách hàng.
Phần miêu tả đã tập trung vào tâm lý người tiêu dùng về vấn đề sức khỏe và an toàn thực phẩm, làm nổi bật các công dụng và điểm đặc biệt của món, nội dung súc tích, bố cục rõ ràng, dễ đọc.

Vậy một bản miêu tả món thu hút có thể khai thác từ 5 góc độ:
- Nguyên liệu và nguồn gốc nguyên liệu
- Khẩu phần món hay giá trị dinh dưỡng
- Phương pháp chế biến đặc biệt
- Hương vị món ăn
- Câu chuyện phía sau món ăn

Lưu ý: Quán không nên sao chép tất cả món ăn chỉ có một miêu tả, nếu không Khách hàng sẽ cảm thấy nhàm chán và không nổi bật được đặc trưng của từng món.
Đã xem đến đây rồi thì Quán còn ngại ngần gì mà không Đánh dấu yêu thích để lưu lại bài viết và tiến hành chỉnh sửa lại thực đơn cho mình.

Tài liệu tham khảo:
(1) ABC News, Restaurant Secrets: How Menus Are Designed to Influence Your Order, 2014

Xem thêm: Khóa học Xây dựng thực đơn hấp dẫn
Đánh dấu yêu thíchFavorite